Đức Phật dạy :

“Dù là cha mẹ anh em, hay những người bạn rất thân từng vào sinh ra tử, khi cái chết đến, không ai có thể đi chung với ai được, người nào cũng phải đi đơn độc một mình”.(1)

Thời gian sẽ làm phai mờ đi nhiều thứ, nhưng cũng chính thời gian sẽ làm rõ được nhiều điều.

Người đời thường thấy vui khi hôm nay đi trước được người này, rồi ngày mai lại thấy buồn khi phải đi sau người khác, hay hạnh phúc khi có ai đó đi chung, đâu biết, cuối cùng, dù muốn hay không, ai cũng phải đi một mình, đơn độc bước qua cánh cửa tử mà mình lại chưa chuẩn bị được điều gì cho ngày ấy cả. Cả một đời buồn vui hoàn toàn phụ thuộc vào người.

Cuộc sống là những câu chuyện duyên sinh, tất cả đều phải tựa vào nhau để sinh khởi và tồn tại, nhưng việc một người bắt bản thân phải phụ thuộc vào nhiều thứ bên ngoài mới có thể bình yên lại là một câu chuyện khác, rất khác.

Chỉ khi nào có thể bình yên một mình, không phụ thuộc vào những điều bên ngoài, khi đó mới là bình yên thực sự, đó là giải thoát. Khi đó sẽ đủ bình thản bước qua cánh cửa tử một mình, không phải hoang mang.

Ai biết cách tựa vào bản thân mình để bình yên, biết cách sống một mình mà hạnh phúc, thì cũng sẽ biết cách bước qua cánh cửa tử một mình trong bình yên.

Cuộc sống như một chuyến tàu, có đủ hạng người trên đó, có người bước lên, có người bước xuống, có người còn ngồi lại, nhưng cuối cùng ai cũng phải rời tàu, rồi về nhà một mình.

Không có gì tàn nhẫn bằng việc chúng ta bỏ rơi chính mình bằng cách bắt bản thân phải phụ thuộc vào người khác để bình yên.

Bình yên chẳng ở đâu xa,
ở ngay trong chính ta mà thôi...

Vô Thường