BÀI VIẾT RẤT HAY.... DÀNH THỜI GIAN ĐỌC CHÚT XÍU
Có nên để cho cuộc đời “dạy dỗ” con cái mình?
(câu chuyện về giáo dục)
Đây là hình ảnh quen thuộc với khá nhiều gia đình thời nay (bố, mẹ thế hệ 6x hoặc 7x) khi kết thúc một ngày làm việc: sau khi “mò” được một thứ gì đó trong tủ lạnh để chén, con gái lớn mặc áo “may ô” ba lỗ hoặc áo hai dây, quần sooc ngắn, ngồi trên sofa duỗi hai chân gác lên bàn nước, mải mê lướt FB. Đứa con trai ngồi ở một góc nhà dán mắt vào máy tính chơi game. Còn ông bố, nếu khá hơn thì đang chơi thể thao ở một nơi nào đó, tệ thì lê la ngoài quán bia với bạn bè (!). Nếu ngồi ở nhà thì, hoặc đọc báo trên điện thoại hoặc xem ti-vi. Thỉnh thoảng mới bắt gặp ông bố nào đó ngồi chuyện trò cùng vợ khi vợ nấu cơm. Trong khi đó bà mẹ một mình lọ mọ chuẩn bị bữa tối. Nấu xong cơm lại tranh thủ thu dọn quần áo đã khô, giặt mẻ mới…
Sau bữa ăn, lại vẫn là “màn kịch” mỗi người dán mặt vào một chiếc điện thoại ở mỗi góc nhà, người mẹ rửa bát, sắp xếp lại bàn ăn, tranh thủ tưới cây ngoài ban công,..Nếu một đứa trẻ nào đó chịu rửa bát, nó sẽ ngồi bên bàn ăn lướt phây cho chán đã, có khi hàng tiếng, rồi mới đi rửa.
Vậy còn chỗ ngủ của các thanh nên 9x và 2k thì như thế nào: trên giường, chăn màn không gấp mà vứt bừa bãi, thú bông lăn lóc mỗi con một nơi, đầu gường vắt đầy quần áo mặc dở dồn vài hôm. Ga, gối bẩn thỉu nhưng có khi vẫn nguyên đó nếu mẹ không thay cho. Vậy nhưng, khi ra đường thì các anh chị ấy ăn mặc sáng sủa lắm, toàn quấn áo, giày mũ hợp thời trang, các chị lại còn điểm thêm son phấn, nước hoa thơm phức, cưỡi xe máy phóng vèo vèo trên phố!
Khi nghe các “anh,chị” ấy nói chuyện với khách hàng, bạn bè thì xem ra cũng lịch sự lắm, rất nhẹ nhàng, nhã nhặn. Vậy nhưng ở nhà, chưa bao giờ nói được câu nào cho dễ nghe với bố mẹ, chứ đừng bàn đến chuyện có những lời thưa gửi kính trọng, dễ mến. Bố mẹ chỉ thường gặp những câu nói “trống không”: như “chưa ăn, tắm cái đã”, “đã bảo là đang bận”, “thôi, không thích”. Khi được bố mẹ hỏi gì, thay vì trả lời, các “anh, chị” ấy còn đưa ra câu hỏi ngược lại, ví như khi được hỏi “con có ăn cơm trưa không?” thì đáp “đã bảo đi tụ tập bạ bè rồi mà”,v.v…Nhiều lúc, bố mẹ chưa nói xong, con cái đã cãi xong! Phải chăng đây là cái sự “khôn chợ, dại nhà”, vì thể mà khi “đối ngoại” mọi sự tốt đẹp, hay ho đã giành hết, cho nên về nhà với bố mẹ chỉ còn có cáu gắt và cộc lốc? Phải chăng đây là cách hành xử thực dụng thời nay: chỗ nào cần, có lợi thì ứng xử nhã nhặn, lịch thiệp, không thì thôi (!).Phải chăng mọi thứ ở nhà là vô điều kiện, cứ vô tư thoải mái? từ sự phục vụ của bố mẹ, đến cách ứng xử với bố mẹ??
Cũng cần nói thêm rằng, hồi còn nhỏ những bậc cha mẹ ngày nay hầu hết gặp khó khăn, vất vả. Vì thế khi cuộc sống đã tốt lên, họ hy sinh tất cả cho con cái như một sự thấu hiểu, bù đắp: làm hết, lo hết mọi việc, bao bọc từ nhỏ đến lớn, khiến chúng ỷ lại hoàn toàn, lười suy nghĩ, chỉ thích dựa dẫm, dần dần trở nên vô cảm và ích kỷ. Mình biết có những đứa trẻ được bố mẹ chi 20 triệu/tháng để học tiểu học, chi 35 tr/tháng để học trung học phổ thông, ở những trường “xịn” nhất Hà Nội. Có những đứa mới học lớp 1 đã được bố mẹ kỳ vọng, cho họp thêm toán, tiếng Anh, khiến chúng nó chẳng còn biết gì ngoài học, còn đâu thời gian vui chơi để phát triển thể chất?.
Chưa hết, nhiều bậc làm cha làm mẹ còn “tâng bốc” chúng lên tận mây xanh sau khi gặt hái một số kết quả học tập (mà nhiều khi chỉ là ảo, hoặc chưa có gì ghê gớm lắm). Hoặc tặng những món quà đắt tiền dịp sinh nhật, kèm theo những lời nói có cánh: “Con của mẹ rất ngoan, nụ cười tỏa nắng của con luôn làm mẹ thấy hạnh phúc và ấm áp, dịu hết mọi vất vả, lo âu. Hãy cố gắng nữa lên con nhé, hoàng tử của mẹ. Mẹ và cả nhà luôn ơn bên con, yêu con vô điều kiện.”. Hoặc là: “Chúc mừng công chúa yêu quý xinh đẹp của mẹ đã cán đích chặng 1 xuất sắc (tốt nghiệp ĐH), chúc con luôn Xinh đẹp, Vươn cao, Bay xa và Tỏa sáng. Bố mẹ luôn tự hào về con!”. Những lời nói đó chỉ nên xuất hiện trong các bài văn mẫu hoặc tác phẩm văn học. Sở thích “thể hiện” thái quá đã dẫn họ tới những lời nói quá đà, khác xa sự thật (họ cũng biết, nhưng thích như thế). Những người yêu thương con hết mực rất ít khi nói ra những lời như vậy.
Nhiều trong số những người lớn chúng ra đang sống ảo, nhưng biết phân biệt ảo/thật. Nhưng trẻ không như vậy. Khi được tung hô bởi những lời nói hoa mỹ của bố mẹ, chúng cảm thấy mình là trung tâm của vũ trụ, muốn gì phải được nấy.
Khi mà cả ngày, bố mẹ cũng phải đi làm thì thời gian còn lại dành cho việc giáo dục con cái trưởng thành chỉ được bắt đầu từ khi kết thúc một ngày làm việc cho tới sáng hôm sau và những ngày nghỉ cuối tuần. Và đối với những đứa trẻ đã ở độ tuổi như vậy, những gì cần được trui rèn là ăn ở ngăn nắp, gọn gàng, ứng xử lễ phép. Biết lo lắng, chia sẻ công việc chung trong gia đình, rất đơn giản như nấu ăn, rửa bát, lau nhà, giặt quần áo,..Không có gì là ghê gớm cả!...
Có người nói, không được nuông chiều con cái thái quá, chúng sẽ ỷ lại, hư hỏng, ích kỷ. Mình đồng ý.
Có người nói, chúng nó lười nhác, không chịu làm gì nhưng biết hết tất cả đấy. Rồi đến khi vào đời, đời sẽ dạy chúng nó. Đây là một quan điểm, nhưng mình chắc chắn rằng, học phí ngoài đời nhiều khi phải trả giá bằng nước mắt và thậm chí là cả xương máu nữa!
Có người nói: phải rèn luyện ý thức tự lập của chúng từ khi còn bé, giờ chúng đã lớn thì trễ rồi, phải chấp nhận thực trạng (!); Mình không ủng hộ.
Có người nói, khi vợ hoặc chồng không thống nhất phương pháp giáo dục con cái, thì người kia có áp dụng phương pháp nào đi chăng nữa cũng không thể thành công được. Mình đồng ý 100%.
Có người nói bây giờ chúng nó vô cảm, ích kỷ, lười nhác, nhưng khi có gia đình, chúng sẽ tự thay đổi. Mình không tin. Bố mẹ nói mà còn không nghe thì chỉ có sự trừng phạt chúng mới chấp nhận, tức là phải trả giá.
Còn bạn, bạn nghĩ sao? Bạn đang ở trong hoàn cảnh nào??
22.8.2021.
Tư thế phổ biến của nam thanh nữ tú trong thời đại 4.0. Nguồn: Internet.
Sưu tầm.....

image