Thợ sửa xe đạp, người làm vì yêu nghề, yêu lũ trẻ con đi học, yêu những ông bà già sáng sáng đi chợ, yêu những ai chăm chỉ tập thể dục bằng loại xe không bao giờ lỗi thời này ^^
Bố tôi ngày xưa cũng là một thợ sửa xe part-time :P Ông có một tấm biển bằng sắt hình tròn, chữ viết bằng phấn rất to "Sửa XE ĐẠP" mang treo ở đầu hè (Nhà tôi hồi đó là nhà gỗ, mái lợp lá cọ nằm sát với đường, nên chỉ cần treo biển ở đầu hè là ai đi qua cũng có thể nhìn thấy). Bố tôi làm part-time thế mà cũng có thể coi là "đắt khách", tôi nhớ nhiều nhất là khách vá săm xe :P Tôi khoái chí nhất là xem bố tôi tháo cái săm xe đạp của khách ra, bơm căng lên xong cho vào chậu nước, lần lần cái lốp cho tới khi thấy chỗ nước xì xì ra thì ngay lập tức cắm cái tăm vào. Có khi có xe của cô bác nào đấy còn được cắm tới vài cái tăm )) Cái việc banh cái lốp xe ra khỏi cái vành xe cũng hay ho ra trò, cần có mấy thanh nhôm, kiểu như cờ lê mỏ lết gì đó, ấn 1 cái vào, ấn cái tiếp, xong bẩy cái kia ra, xong lại ấn tiếp vào vị trí sau, rồi lại bẩy cái phía trước ra, tới khi cả cái lốp xe rời ra khỏi cái vành nhôm; khi đó thì phải lôi cái săm xe ở chỗ cái van ra trước, rồi mới lôi đoạn còn lại. Hồi đó còn chưa có miếng vá "ăn liền", bố tôi thường cắt những miếng nho nhỏ từ những chiếc săm cũ ra, rồi dùng một loại keo đặc biệt để dính vào chỗ săm thủng của khách hàng. Rồi cần để khô 1 lúc, sau đó bơm lại và lại cho vào chậu nước để kiểm tra lại xem săm đã vá ổn chưa.
Sau này, bố tôi không làm part-time nữa, ông cất cái biển đi, mà tôi thì rất thích cái biển đó, thi thoảng lại lôi ra treo, như kiểu trang trí cho hiên nhà vậy :)) Thi thoảng khách lại vào vá săm, bố mẹ tôi phải xin lỗi họ, nói không làm nghề nữa :P Bố tôi lại nhấc cái biển vào, miệng bảo "Cái con Cún này nghịch thật!" :))))